Vui lòng nhập số serial sản phẩm:

Đang cập nhật...

Hỗ trợ trực tuyến

Hỗ trợ kinh doanh

Mr Tường
098 353 6778

190x195-fpts-carepack-120716

Những ngày đầu trong hành trình thay đổi thế giới của iPhone

Để chuẩn bị cho vụ kiện thứ hai giữa Apple và Samsung, kỹ sư Greg Christie của hãng công nghệ Mỹ đã kể lại với báo Wall Street Journal những tháng ngày vất vả để cho ra đời chiếc điện thoại thay đổi cả thế giới.

Tháng 2/2005, kỹ sư Christie nhận được tối hậu thư của Steve Jobs, nhà đồng sáng lập Apple. Nhóm của ông đã vật lộn trong nhiều tháng để xây dựng phần mềm cho chiếc điện thoại mà sau này được gọi là iPhone. Giờ Jobs tuyên bố họ chỉ còn 2 tuần để hoàn thành hoặc dự án sẽ được chuyển sang cho một nhóm khác.

"Jobs muốn những ý tưởng lớn hơn nữa, những concept lớn hơn nữa", Christie, hiện vẫn phụ trách nhóm phát triển giao diện ứng dụng của iPhone, kể lại. 

iPhone-02-9034-1395974924.jpg

Apple mất 3 năm mới cho ra đời được iPhone - chiếc điện thoại thay đổi cả ngành công nghiệp di động.

Đội của ông đã vạch ra nhiều tính năng cho iPhone, như vuốt để mở khóa, đưa nút gọi vào ngay trong danh bạ điện thoại, trình nghe nhạc được điều khiển trên màn hình cảm ứng, làm sao thực hiện mọi chức năng chỉ với một phím Home... iPhone không dùng bàn phím vật lý như điện thoại thời đó. Mọi thao tác diễn ra trên màn hình nên nó cần một phần mềm phù hợp và có sức mạnh gần tương đương với nền tảng dành cho máy tính cá nhân.

Christie chưa bao giờ công khai nói về thời kỳ đầu của iPhone, nhưng Apple đã chọn ông để trả lời những thông tin liên quan trước khi phiên toà giữa Samsung và Apple diễn ra vào đầu tuần tới nhằm chứng minh iPhone mang tính cách mạng như thế nào khi xuất hiện năm 2007.

Christie gia nhập Apple năm 1996 và làm việc ở bộ phận Newton - thiết bị số đoản thọ của Apple với màn hình cảm ứng và bút. Nhưng Newton thất bại được giải thích là do nó đi trước thời đại. Nó ra đời khi mọi thứ còn sơ khai, đắt đỏ nên chưa thể hiện thực hóa ước mơ về những chiếc máy tính di động nằm gọn trong túi.

Cuối năm 2004, khi Christie đang phát triển phần mềm cho máy Macintosh thì Scott Forstall bước vào văn phòng của ông, đóng cửa và hỏi liệu ông có muốn tham gia một dự án bí mật có tên mã Purple. Dự án ra đời với mục đích phát triển một chiếc điện thoại tích hợp sẵn phần mềm nghe nhạc và được điều khiển hoàn toàn bằng màn hình cảm ứng. Sản phẩm ấy phải đủ thú vị để chính nhân viên Apple cũng mong sở hữu, chứ không phải họ dùng vì đây là "của nhà trồng được".

Thời điểm đó, Steve Jobs đang cơ cấu lại Apple và trực tiếp quản lý những sản phẩm chủ chốt như iPod. Greg Joswiak, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị cho iPhone và iOS, được giao nhiệm vụ theo dõi liệu các điện thoại tích hợp máy nghe nhạc của các nhà sản xuất khác có đe dọa iPod hay không.

Nhóm của Christie mày mò và tính toán từng chi tiết như tốc độ hợp lý để cuộn danh sách trên điện thoại. Ông kể rằng nhóm của ông như muốn "đập đầu vào tường" khi tranh cãi về giải pháp thay đổi cách hiển thị tin nhắn từ những thông điệp rời rạc được xếp theo trình tự thời gian thành một chuỗi hội thoại giống như các đoạn chat trên máy tính.

Christie trình bày dự án hai lần mỗi tháng với Steve Jobs trong một phòng họp không có cửa sổ trên tầng hai của trụ sở ở Cupertino (Mỹ). Chỉ một vài nhân viên có quyền ra vào đây và ngay cả những người dọn vệ sinh cũng không được phép đặt chân vào.

Cuối cùng, cũng đến ngày đội của Christie gây ấn tượng với Jobs về kế hoạch phát triển phần mềm trên iPhone. Sau đó, họ phải trình bày lại với Bill Campbell, một giám đốc của Apple và Campbell luôn nhắc rằng điện thoại phải tốt hơn máy Mac đời đầu. Vài ngày tiếp theo, Jobs triệu tập nhóm để trình bày lần thứ ba với Jonathan Ive, phụ trách thiết kế vẻ ngoài của iPhone. 

Jobs yêu cầu các nhân viên nếu sử dụng máy tính ở nhà thì phải tìm góc kín đáo cũng như mã hóa mọi hình ảnh về thiết bị. "Đèn xanh" được bật đầu năm 2005 mới chỉ là sự khởi đầu cho "cuộc chạy marathon dài 2,5 năm" tiếp theo. Họ phải duyệt lại mọi thứ trên điện thoại từ việc kiểm tra thư thoại ra sao cho đến việc hiển thị lịch sao cho khoa học và đơn giản. Jobs đòi hỏi mọi thứ phải thật chi tiết và hoàn hảo.

Cuối năm 2006, vài tháng trước khi chính thức giới thiệu iPhone, Steve Jobs đề nghị Christie chọn album thể hiện tốt nhất tính năng "cover flow". Ông muốn album phải mang tính nghệ thuật với màu sắc sáng và nhiều khuôn mặt để khoe sự tuyệt vời của màn hình điện thoại. Nhưng album đó cũng phải là nhạc mà Jobs thích. Cuối cùng họ chọn Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band của The Beatles.

iPhone-01-9390-1395974924.jpg

Tính năng cover flow trên iTunes.

Trong nửa năm tiếp theo, trước khi iPhone được bán ra vào tháng 6/2007, Christie và đồng nghiệp vẫn liên tục thực hiện các thay đổi trên điện thoại. Theo yêu cầu của Jobs, họ bỏ cách trình bày chia đôi màn hình e-mail với một bên là thông tin người gửi và một bên là thông điệp. "Jobs nghĩ rằng thật ngớ ngẩn khi tách thành hai phần trên một diện tích màn hình nhỏ như thế", ông nhớ lại.

Dù đã gần 7 năm trôi qua, Christie vẫn không thể quên một khoảnh khắc. Đó là vài ngày trước khi sự kiện diễn ra, kỹ sư này bước vào hội trường được bảo mật bằng hai lớp khóa và kéo tấm rèm nặng. Ông thấy một hình ảnh lớn về giao diện Home của iPhone được chiếu lên màn hình trong căn phòng tối. Lúc đó, ông chợt nhận ra chiếc điện thoại này sẽ lớn lao như thế nào. "Tim tôi đập mạnh và tôi nghĩ, cuối cùng điều này đã thực sự xảy ra", Christie chia sẻ.

Ngay khi ra đời, iPhone đã phải chịu không ít sự mỉa mai, ngờ vực từ lãnh đạo cấp cao của Microsoft hay Palm. "Có lẽ, nguyên nhân lớn nhất là Apple chưa từng sản xuất điện thoại và họ nghĩ chúng tôi sẽ thất bại mà thôi", Phil Schiller, Phó giám đốc phụ trách marketing của Apple, nói. Những nghi ngờ này cũng xuất hiện khi iPad ra đời, nhất là khi sản phẩm không có bàn phím cứng để soạn thảo nội dung. Tuy nhiên, đến khi Apple chứng minh họ đã đi đúng hướng với iPhone và iPad thì một số hãng khác lại nhanh chóng bắt chước theo.

Ngày 25/3/2014, Forbes đưa tin Apple đã chính thức bán ra chiếc iPhone thứ 500 triệu. Smartphone này đang là tâm điểm trong cuộc chiến bản quyền giữa Apple và Samsung - hai hãng điện thoại lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thị trường di động. Apple cáo buộc Samsung sao chép thiết kế và các tính năng phần mềm của họ, trong khi Samsung quả quyết rằng rất nhiều thứ được gọi là cải tiến trên iPhone và iPad chẳng có gì là độc quyền hay thuộc sở hữu riêng của Apple cả.

Trong phiên toà đầu tiên diễn ra ở San Jose, California (Mỹ), Samsung đã phải bồi thường Apple hơn 1 tỷ USD và hiện con số này đã giảm xuống 930 USD. Phiên toà thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày cuối cùng của tháng 3 khi Apple bổ sung thêm 5 bằng sáng chế khác mà họ tin là Samsung vi phạm, trong đó có tính năng "Slide to Unlock" (trượt để mở khoá) mà Christie là một trong những tác giả. Trong khi đó, Samsung cũng kiện Apple sử dụng trái phép 2 bằng sáng chế mới của họ. Mức độ thiệt hại từ việc vi phạm bản quyền này được cho là sẽ cao hơn so với phiên toà đình đám đầu tiên vì các tính năng đó hiện diện trên nhiều điện thoại đời mới và có doanh số cao hơn (như Galaxy S III - smartphone mang tính bước ngoặt và giúp Samsung bước lên ngôi vương của làng điện thoại).

Châu An

VnExpress Số Hóa Đời Sống