Curiosity, thiết bị thăm dò lớn và tối tân nhất mà loài người từng đưa lên sao Hỏa, đã hạ cánh thành công ngày 6/8, nhưng không ít người lại ngạc nhiên khi nó chỉ sử dụng các camera cảm biến ảnh cao nhất là 2,1 "chấm". >'Cỗ máy trong mơ' đáp xuống sao Hỏa
Chuyên gia Mike Ravine thuộc dự án Curiosity cho hay có nhiều nguyên nhân cho sự lựa chọn này. Thứ nhất là dự án được "chốt" từ năm 2004. "Nhiều người nghĩ rằng những chương trình như thế này phải rất tân tiến và hiện đại. Nhưng thực chất, các thiết kế đã được đề ra dựa trên công nghệ từ năm 2004. Bạn không thể tưởng tượng ra một thứ gì đó rồi mới bắt đầu mày mò phát triển. 2 megapixel và bộ nhớ flash 8 GB là những thông số không hề tệ vào năm đó, dù không thể sánh với những gì bạn có trong iPhone hiện nay", Ravine nói.
Một camera trong dự án. |
Lý do thứ hai là đường truyền. Một bức ảnh vài chục megapixel sẽ xuất hiện trên máy tính trong nháy mắt qua cáp USB, nhưng khi "tải" một thứ gì đó cách trái đất hàng chục triệu km, dung lượng là cả vấn đề lớn. Có ba cách để Curiosity truyền dữ liệu về trái đất nhưng chỉ có thiết bị UHF được sử dụng để gửi ảnh. "Ăng-ten UHF liên lạc tới hai tàu vũ trụ bay vòng quanh sao Hỏa và tàu sẽ chuyển kết quả về với dung lượng tối đa chỉ 250 megabit (31-32 megabyte) mỗi ngày", Ravine giải thích.
Yếu tố thứ ba là trọng lượng. Ngay cả với một thiết bị nặng hàng trăm kg, các nhà khoa học vẫn phải cân nhắc từng gram thêm vào. Cảm biến nhỏ sẽ tiết kiệm trọng lượng và không gian. Chưa kể, mỗi thành phần bổ sung hay bỏ đi đều có thể khiến chi phí bị nâng lên.
Các nhà khoa học gắn ảnh lại để tạo ảnh panorama. |
Hơn nữa, với công nghệ hiên đại, việc gắn các ảnh nhỏ thành một ảnh panorama cỡ lớn đã trở nên dễ dàng nên 2 megapixel không còn là vấn đền lớn. Tuy nhiên, Ravine vẫn tỏ ra thất vọng vì có vài thay đổi đã khiến ống kính zoom không được đưa vào. "Nó hiện nằm trong một container phía sau tòa nhà", ông cho hay. Việc hủy ống zoom có nghĩa camera không thể quay video 3D như cả đội hy vọng.
Châu An