Hai sinh viên tại Học viện Thiết kế Tương tác Copenhagen đã xây dựng thành công một mô hình chơi Angry Birds trên máy tính bằng súng cao su cho một dự án của lớp công nghệ Haptic (Phản hồi Xúc giác) của mình.
Với một bộ cơ trượt tự tạo từ bộ điều khiển trộn nhạc, Hideaki Matsui và Andrew Spitz đã chế ra bộ phận phản hồi lực (súng cao su). Thành phần tiếp theo là một bo mạch điều khiển Arduino được lập trình bằng ngôn ngữ Wiring có tên Music & Motors tại Học viện Thiết kế Tương tác Copenhagen (Copenhagen Institute of Interaction Design). Cuối cùng là một chương trình được nạp trên bộ xử lý tín hiệu Max/MSP và bộ vi điều khiển Arduino để có thể “bắt chước” chính xác sự căng của dây thun và quăng đi của vật thể (những chú chim) trong trò chơi Angry Birds của Rovio. Hai sinh viên này còn tạo thêm một thùng thuốc nổ TNT giả lập để kích nổ các chú chim trong các màn chơi hỗ trợ.
Súng cao su và thùng thuốc nổ TNT tự tạo. |
Khi được hỏi về cơ chế hoạt động của súng cao su tự tạo để các chú chim trong máy tính có thể bay đi khi kích cần trượt trong trò chơi này, Hideaki Matsui và Andrew Spitz chia sẻ: “Về cơ bản, chúng tôi làm được điều này bằng cách vẽ một đường cong mô tả lực đẩy và lưu trữ các giá trị này trên một bảng. Sau đó, chúng tôi thiết lập các vị trí của thanh trượt tương ứng với các giá trị lực đẩy đã lập và cuối cùng trích xuất các giá trị này để gửi đến động cơ thực hiện lực".
Bo mạch Arduino điều khiển sự căng của dây thun và lực đẩy. |
Sản phẩm cuối cùng được đánh bóng khá trau chuốt và việc chơi Angry Birds trên máy tính trở nên thú vị và thật hơn. Hideaki Matsui và Andrew Spitz khá vui tính khi đặt tên cho trò chơi tùy biến của mình là Super Angry Birds.
Video chơi Angry Bird bằng súng cao su tự chế
Angry Birds bằng... súng cao su giả lập. |
Đô Nguyễn